Bệnh chàm ở trẻ nhỏ và cách điều trị

Bệnh chàm còn được biết là một tình trạng dị ứng da phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 4-24 tháng. Nếu người lớn không biết cách chăm sóc, xử lý vết chàm cho bé, tình trạng bệnh của trẻ sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn, khó điều trị tận gốc và nguy cơ tái phát cao. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ những kiến thức về bệnh chàm ở trẻ nhỏ để có cái nhìn đúng đắn và biện pháp hỗ trợ điều trị phù hợp cho trẻ.

Bệnh chàm ở trẻ nhỏ là gì?

Bệnh chàm có tên y học là eczema. Đây là tình trạng da bị viêm mạn tính có tính chất dai dẳng và dễ tái phát. Chàm khiến da bị đỏ, khô, tróc vảy và gây ngứa ngáy khó chịu cho người bệnh. Theo như khảo sát, trẻ nhỏ có nguy cơ mắc chàm cao hơn trẻ vị thành niên và người trưởng thành. Trong đó trẻ sơ sinh chiếm khoảng 15%.

Thông thường, bệnh chàm sẽ xuất hiện phổ biến trước khi bé được 5 tuổi. Có 3 mức độ chàm trong y học như chàm cấp, chàm bán cấp và chạm mạn tính. Tùy theo cơ địa của trẻ nhỏ, bệnh sẽ diễn biến nặng, nhẹ, thậm chí tái phát nhiều lần.

Hình thái tổn thương của bệnh chàm còn có sự khác biệt ở từng thể bệnh và giai đoạn phát triển của bệnh. Như với bệnh chàm sữa ở trẻ em, vị trí chàm thường ở mặt, cổ, sau đầu gối,… Hình thái tập trung thành từng mảng, vảy dày và ngứa.

Bệnh chàm ở trẻ nhỏ thường xuất hiện vùng mặt
Bệnh chàm ở trẻ nhỏ thường xuất hiện vùng mặt

Nguyên nhân gây ra bệnh bệnh chàm ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân gây ra bệnh chàm ở trẻ rất đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên, ta có thể tổng hợp thành các nguyên nhân chính như sau:

  •  Do cơ địa của trẻ.
  •  Do di truyền: Nếu trong gia đình bạn có thành viên nào từng mắc các bệnh như hen suyễn, viêm mũi dị ứng,… sẽ có nguy cơ trẻ mắc bệnh chàm cao hơn người bình thường.
  •  Do rối loạn các hoạt động cơ thể: rối loạn chức năng bài tiết, thần kinh, nội tiết, tiêu hóa, hoặc sự thay đổi nội tiết của cơ thể.
  • Do nguyên nhân dị nguyên: tiếp xúc nhiều với các đồ dùng gây dị ứng như quần áo len, chăn màn, khăn quàng,… hoặc ăn phải các thức ăn lạ (không hợp cơ địa) như cá biển, tôm, cua,… tiếp xúc với hóa chất như nước rửa bát, dầu gội,…
  • Do chế độ ăn uống thiếu cân bằng, bữa ăn thiếu hụt các loại vitamin, dư thừa các chất đạm,… làm giảm sức đề kháng của trẻ.
Tỷ lệ di truyền từ bố mẹ sang trẻ rất cao và cũng là nguyên nhân chủ yếu
Tỷ lệ di truyền từ bố mẹ sang trẻ rất cao và cũng là nguyên nhân chủ yếu

>>>  Tìm hiểu thêm về bệnh chàm (Eczema) ở người lớn: https://yduocluanthanh.com/benh-eczema-o-nguoi-lon/

Các triệu chứng cơ bản của bệnh chàm ở trẻ nhỏ

Khi trẻ mắc bệnh, các vùng da bị chàm sẽ bị dày lên, nổi mẩn đỏ li ti hoặc thành từng mảng. Vùng da bị chàm cũng trở nên khô hơn vùng da bình thường khác kèm theo triệu chứng rát và ngứa. Khi tình trạng bệnh nặng hơn thì vùng da này sẽ bị viêm tấy, mụn li ti ứa nước vỡ ra.

Vùng da chàm nhạy cảm và dễ bị kích ứng với các loại hóa chất trong nước hoa, xà bông, bột giặt,… trong thời gian bị bệnh, nếu bạn để trẻ tiếp xúc nhiều với các chất gây dị ứng như trên, bệnh sẽ dai dẳng lâu khỏi.

Cần tránh để bé tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất gây hại
Cần tránh để bé tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất gây hại

Với trẻ sơ sinh, khu vực da thường xuất hiện chàm là mặt, trán, da đầu, cổ,… có nhiều trường hợp chàm bắt đầu từ chân, tay trước rồi lan rộng khắp cơ thể. Đối với trẻ nhỏ (từ 3 – 6 tuổi), thì bệnh thường xuất hiện trên mặt sau đầu gối, xung quanh cổ tay, trong khuỷu tay và mắt cá chân. Vậy bệnh chàm da có chữa được không? Làm thế nào để chăm sóc trẻ một cách tốt nhất?

Bệnh chàm ở trẻ em, cách điều trị và chăm sóc

Khi trẻ có dấu hiệu bị chàm như trên, các mẹ nên đưa bé đi thăm khám bác sĩ để nhận định đúng nguyên nhân gây bệnh và hướng điều trị bệnh thích hợp.

Cần đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở có chuyên môn để được bác sĩ tư vấn và diều trị
Cần đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở có chuyên môn để được bác sĩ tư vấn và diều trị

Thông thường, bác sĩ sẽ ưu tiên chỉ định các loại thuốc bôi ngoài da thay vì thuốc uống, nhằm hạn chế các nguy cơ sốc phản vệ, kháng thuốc hay biến chứng khi dùng thuốc. Tuy nhiên trong một số trường hợp chàm nặng, thuốc uống vẫn được khuyến cáo sử dụng để hạn chế tái phát.

Các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý. Khi trẻ nhỏ bị chàm phải thường xuyên vệ sinh và tắm rửa cho bé bằng nước ấm. Khuyến khích sử dụng quần áo làm từ sợi cotton mềm, màu trung tính. Cắt móng chân móng tay cho bé để tránh bé tự làm tổn thương vết chàm.

Hạn chế sử dụng bồn tắm để tắm bé. Không tắm cho bé trong thời gian quá lâu và nước quá nóng. Khi sử dụng nước ấm để tắm cho bé thì nên để nước ở khoảng 36 độ. Tránh sử dụng các sản phẩm có chứa nhiều thành phần hóa chất chuyên dùng cho người lớn và hương liệu để tắm cho bé.

Tốt nhất bạn nên sử dụng các loại khăn 100% cotton để làm khô da bé. Không được lau quá mạnh tại vị trí chàm, chỉ nên chấm nhẹ để thấm hút nước đọng trên da bé. Mẹ vẫn có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm dành cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên đối với các sản phẩm mới, nên thử da tay bé để điểm tra mức độ dị ứng trước khi dùng cho các vị trí khác trên cơ thể.

Bữa ăn của trẻ cũng là một trong những điều mẹ cần lưu ý. Mẹ không ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, tôm, cá biển, hải sản,… Nếu mẹ đang cho bé bú hoàn toàn.

Đối với trẻ sơ sinh từ 1 – 6 tháng. Bạn nên duy trì cho bé ăn sữa mẹ trong suốt thời gian này. Do trẻ sơ sinh hấp thụ sữa mẹ tốt nhất và lấy tất cả các chất dinh dưỡng mà bé cần từ sữa mẹ, nên việc sử dụng các loại sữa bột hay thức ăn dinh dưỡng không thích hợp có thể khiến hệ tiêu hóa của bé phản kháng và kích ứng các loại bệnh trên da giống như bệnh chàm.

Trên đây là một số thông tin hữu ích mà bạn nên biết về bệnh chàm ở trẻ nhỏ. Hy vọng bài viết giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về bệnh chàm ở trẻ em và có cách điều trị, chăm sóc trẻ phù hợp.